Lực lượng cảnh sát giao thông tiến hành kiểm tra nồng độ cồn. Ảnh minh họa: Báo Lao động
Cục Cảnh sát giao thông đã bố trí các tổ công tác sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ được trang cấp, tham gia thực hiện kiểm tra, đôn đốc, xử lý vi phạm nồng độ cồn tại nhiều địa phương trên cả nước.
Xử lý một loạt trường hợp là công chức, viên chức... vi phạm nồng độ cồn
Ngày 25/9, thông tin từ Cục Cảnh sát giao thông (CSGT) cho biết, thực hiện kế hoạch kiểm tra, đôn đốc thực hiện “Tổng kiểm soát xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách, xe ô tô vận tải hàng hóa bằng container và các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông”, ngày 23/9, các tổ công tác của đơn vị phối hợp với công an 5 địa phương trực tiếp kiểm soát phương tiện tham gia giao thông trên địa bàn các tỉnh: Bắc Giang, Đắk Lắk, Trà Vinh, Nghệ An, Hà Tĩnh.
Quá trình làm nhiệm vụ, các tổ công tác phát hiện 199 trường hợp vi phạm (54 ô tô, 144 xe mô tô, 1 xe máy điện), 1 trường hợp không chấp hành yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn.
Trong đó, đáng chú ý, các tổ công tác phát hiện 7 người là công chức (1 trường hợp Phó giám đốc trung tâm quỹ đất thành phố Bắc Giang; 1 trường hợp Trưởng phòng tài nguyên môi TP Bắc Giang; 1 trường hợp giám đốc bưu điện TP. Buôn Ma Thuột; 1 trường hợp Trưởng phòng Tài chính - Kế hoạch, huyện Ea Kar; 1 trường hợp Phó phòng kinh tế - hạ tầng huyện Ea Kar 1 trường hợp Giám đốc trạm đăng kiểm số 47-03D, xã Ea Đar, huyện Ea Kar, Đắk Lắk; 1 trường hợp khai là cán bộ chi cục thú y Đắk Lắk).
Ngoài ra, các tổ công tác phát hiện 3 trường hợp là nhà báo, phóng viên, cộng tác viên vi phạm nồng độ cồn.
Một loạt cán bộ, công chức, lãnh đạo địa phương đã bị lực lượng chức năng xử lý vi phạm nồng độ cồn trong thời gian qua.
Trước đó, từ ngày 31/8 đến ngày 15/9 các tổ công tác của Cục Cảnh sát giao thông (C08) đã triển khai ở nhiều địa phương như: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Nam Định, Thái Bình, Yên Bái, Bà Rịa - Vũng Tàu, thành phố Hồ Chí Minh, Bình Thuận, Đồng Nai, Bình Dương, Cần Thơ, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hòa...
Qua đó đã phát hiện xử lý nhiều trường hợp vi phạm điều khiển xe trên đường mà trong hơi thở có nồng độ cồn, đáng lưu ý trong đó 88 trường hợp người đều xe trên đường mà trong hơi thở có nồng độ cồn là công chức, viên chức, bộ đội, công an, nhà báo đang công tác hoặc đã nghỉ hưu, thậm chí có cả giáo viên dạy lái xe...
Một số lái xe khi vi phạm được xác minh, làm rõ là bí thư, chủ tịch huyện hoặc một số cán bộ đã nghỉ hưu...
Cục Cảnh sát giao thông cho biết, kế hoạch được thực hiện đến hết ngày 15/10.
"Không có vùng cấm, không có ngoại lệ" trong xử lý vi phạm nồng độ cồn
Trước đó, ngày 19/4/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Chỉ thị số 10/CT-TTg về tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong tình hình mới.
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ban, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp tiếp tục tập trung triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chủ trương chỉ đạo của Đảng, Nhà nước trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.
Các bộ, ngành, địa phương phải thực hiện đầy đủ trách nhiệm trong quản lý nhà nước về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp chịu trách nhiệm toàn diện về công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn phụ trách.
Xem xét, xử lý trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương nếu để tình hình trật tự, an toàn giao thông xảy ra phức tạp trên địa bàn do thiếu lãnh đạo, chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra, giám sát hoặc thực hiện không đầy đủ trách nhiệm trong phạm vi quản lý.
Tất cả các vụ trật tự, an toàn giao thông gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng xảy ra phải được xem xét, cá thể hóa, xử lý trách nhiệm của các tập thể, cá nhân liên quan.
Bên cạnh đó, cần siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.
Tăng cường thanh tra, kiểm tra, điều tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, sai phạm, tiêu cực của các cơ quan quản lý nhà nước về giao thông, lực lượng thực thi pháp luật về giao thông, chính quyền địa phương và các lực lượng khác có liên quan đến đầu tư xây dựng, quản lý hành lang an toàn giao thông.
Trong quá trình xử lý các vi phạm pháp luật về giao thông phải tuyệt đối thượng tôn pháp luật, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, tất cả các hành vi vi phạm về trật tự, an toàn giao thông phải được xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Nghiêm cấm cán bộ, đảng viên can thiệp, tác động vào quá trình xử lý vi phạm pháp luật về giao thông của các cơ quan chức năng; nghiêm cấm lực lượng chức năng "xuê xoa", bỏ qua trong xử lý vi phạm dưới mọi hình thức.
Cương quyết khởi tố, điều tra, xử lý nghiêm các vụ tai nạn giao thông có dấu hiệu tội phạm và đối tượng chống người thi hành công vụ theo đúng quy định của pháp luật.