Ngày 24/12, Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế đã có thông tin về tình hình du lịch của địa phương năm 2022 và định hướng năm 2023. Theo đó, trong 4 tháng cuối năm, ngành du lịch tỉnh ghi nhận sự quay trở lại của một số thị trường khách quốc tế, cụ thể: tháng 9 đón 29.943 khách quốc tế trong tổng số 186.573 khách; tháng 10 đón 42,239 khách quốc tế trong số 170.337 khách; tháng 11 đón được 51.376 khách quốc tế trong 179.043 khách. Dự kiến tháng 12 sẽ đón khoảng 70.000 khách quốc tế trong tổng số khoảng 190.000 khách.
Hiện tại, lượng khách Thái Lan vẫn đang đứng đầu, chiếm tỷ lệ khoảng 13,2%; các thị trường khác trong top 10 của cả 3 tháng lần lượt là Pháp, Hoa kỳ, Malaysia, Anh, Đức, Hàn Quốc, Australia, Tây Ban Nha và Canada. Tổng lượt khách du lịch năm 2022 ước đạt 2,05 triệu lượt, trong đó có khoảng 260.000 lượt khách quốc tế.
Du khách tham quan Quần thể di tích Cố đô Huế.
Cũng theo Sở Du lịch Thừa Thiên Huế, hiện nay du lịch nội địa tại địa phương đang phục hồi rất tốt, nhưng du lịch quốc tế vẫn chưa đạt như kỳ vọng do tình hình chính trị, kinh tế và dịch bệnh vẫn còn khá phức tạp trên toàn cầu. Doanh thu du lịch ước đạt khoảng 4.500 tỷ đồng.
Trong năm qua, tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức nhiều hoạt động du lịch lễ hội, văn hóa đặc sắc, nhất là các chuỗi sự kiện, chương trình nằm trong Festival Huế 2022. Một số sản phẩm, điểm đến du lịch mới gắn với du lịch xanh, thể thao và chăm sóc sức khỏe được hình thành đã góp phần tạo điểm nhấn để kích cầu, phục hồi phát triển dần trở lại ngành du lịch.
Kế hoạch của ngành du lịch Thừa Thiên Huế trong năm 2023 sẽ tập trung nguồn lực đầu tư phát triển du lịch, dịch vụ xứng tầm là ngành kinh tế mũi nhọn, phấn đấu đón khoảng 3-3,5 triệu triệu lượt khách. Tập trung phát triển đa dạng các loại hình dịch vụ có lợi thế và giá trị gia tăng cao với các sản phẩm mới, đặc thù để tạo sự khác biệt với các tỉnh thành khác bên cạnh sản phẩm văn hóa, di sản đó là: du lịch chăm sóc sức khỏe, tâm linh, nông thôn, một số lễ hội có tính thu hút khách cao (Lễ hội khinh khí cầu, ẩm thực, thể thao, âm nhạc,..).
Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai các giải pháp thúc đẩy phát triển ngành du lịch, nhất là giải pháp về công nghệ số, chiến lược truyền thông quảng bá du lịch; Triển khai các chương trình kích cầu du lịch (có chính sách ưu đãi các đoàn MICE, các đoàn tour bay theo tuyến charter mới); Đẩy nhanh tiến độ đầu tư và khởi công mới các dự án hạ tầng kết nối các điểm du lịch; Xúc tiến đầu tư khai thác các đường bay mới từ các thị trường du lịch tiềm năng; Kết nối các hãng lữ hành lớn nhằm triển khai các chương trình tour mới đến miền Trung với đích chính là Thừa Thiên Huế; Đầu tư phát triển hệ thống các trung tâm thương mại, siêu thị, trung tâm mua sắm cao cấp, khu dịch vụ đa chức năng./.