(NLĐO) - Theo nhận định của chính quyền địa phương, nếu lơ là, chủ quan trong các biện pháp giải quyết ngập úng ở TP Đà Lạt sẽ gây ảnh hưởng đến tài sản, tính mạng của người dân và tâm lý du khách khi đến đây
Thông tin từ Văn phòng UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Hiệp đã có kết luận chỉ đạo sau buổi kiểm tra thực tế một số khu vực ở suối Phan Đình Phùng và suối Cam Ly, TP Đà Lạt.
Năm nay, TP Đà Lạt có nhiều khu vực bị ngập úng cục bộ sau mưa lớn.
Lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng đánh giá thời gian qua, TP Đà Lạt đã quan tâm chỉ đạo phường, xã và đơn vị trực thuộc thực hiện các biện pháp thoát nước, phòng chống ngập úng. Tuy nhiên, nhiều công trình của người dân vẫn lấn chiếm hành lang suối, mương thoát nước, ngăn dòng chảy tự nhiên; chỉ giới suối chưa xác định cụ thể, chưa thực hiện nạo vét các suối, nhất là khu vực thượng lưu.
Đọc thêm
Nếu lơ là, chủ quan trong thực hiện các biện pháp cần thiết thì TP Đà Lạt vẫn còn nguy cơ ngập úng cục bộ, ảnh hưởng đến tài sản, tính mạng của người dân và tạo tâm lý không tốt đối với khách du lịch đến địa phương.
Do đó, UBND TP Đà Lạt cần chủ động tuyên truyền, vận động người dân, doanh nghiệp không lấn chiếm lòng suối, mương thoát nước. Nhân rộng mô hình làm sạch đường sá, cảnh quang bằng cách trồng hoa, cây xanh trang trí như các hộ dân dọc suối Cam Ly, Phan Đình Phùng đã triển khai.
Sắp tới, TP Đà Lạt cần mời chuyên gia có năng lực và kinh nghiệm về thoát nước đô thị để khảo sát, đánh giá quy hoạch thoát nước đô thị của thành phố. Rà soát, đánh giá cao trình thoát nước tại khu vực thượng lưu và hạ lưu suối Cam Ly. Nếu cần thiết thì đề xuất giải pháp hạ cao trình để đảm bảo thoát nước. Khẩn trương tháo dỡ đập cao su và gờ chắn rác gần thác Cam Ly. Lắp đặt camera ra dọc các suối nhằm phát hiện và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm.
Về cầu Hải Thượng (khu vực ngập nặng ngày 12-7 vì không thoát nước kịp), TP Đà Lạt cần sớm có văn bản đề xuất chủ trương đầu tư xây dựng, nâng cấp cây cầu này, lưu ý mặt cắt đảm bảo dòng chảy thoát lũ êm thuận, hoàn thành trước ngày 31-7.
Cầu Hải Thượng đang cần phải nâng cấp để đảm bảo khả năng thoát nước tránh ngập úng.
Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện kiểm tra những khu vực có độ chênh taluy âm/dương lớn, sườn dốc, địa chất không ổn định, có nguy cơ sạt lở nhằm cảnh báo, gia cố, phòng chống sạt lở với phương châm tuyệt đối không để xảy ra sự cố ảnh hưởng tính mạng và tài sản người dân.
Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng giao Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với UBND TP Đà Lạt rà soát các nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước để điều tiết chuyển kinh phí từ công trình chậm hoặc chưa có khả năng giải ngân, công trình chưa cấp thiết. Việc này là để bổ sung vốn đầu tư xây dựng, nâng cấp cầu Hải Thượng và các hạng mục liên quan. Trong đó, có thể thực hiện dự án theo diện đầu tư công trình khẩn cấp nếu đủ điều kiện.
Ông Trần Văn Hiệp cũng yêu cầu các sở, ngành, địa phương liên quan chủ động ứng phó các tình huống thiên tai có thể xảy ra trên địa bàn TP Đà Lạt nói riêng và toàn tỉnh nói chung, nhất là trong tình hình mưa bão hiện nay.
Trước đó, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, TSKH - Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn nhận định tình trạng ngập này cũng là một lời cảnh báo để Lâm Đồng lưu tâm đến vấn đề quy hoạch, vì sắp tới ngập úng sẽ lan rộng. Đà Lạt không phải ngập mới đây mà đã 5-10 năm nay, đi đôi với việc phát triển đô thị không bền vững. Chuyện sạt lở đất cũng đi đôi với ngập úng.
Đà Lạt bây giờ muốn "chữa" được "căn bệnh" ngập úng, sạt lở thì cần đánh giá lại toàn diện tác động môi trường của quy hoạch. Chỗ nào còn làm không gian xanh được thì đừng xâm phạm nữa, chỗ nào bê-tông hóa thì tính toán làm hầm điều tiết để tạo được không gian dành cho nước.
Trường Nguyên