Ông Nguyễn Phong Nhã, phó cục trưởng Cục Viễn thông, khẳng định các thuê bao di động cần chuẩn hóa thông tin trước ngày 31-3 - Ảnh: T.HÀ
Đó là thông tin được Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông khẳng định, cùng với sự cam kết thực hiện của tất cả các nhà mạng trong cuộc họp sáng ngày 13-3.
Việc khóa thuê bao đối với những thuê bao di động không chuẩn hóa thông tin cá nhân này được thực hiện theo quy định trong nghị định 49.
Lý giải thêm, ông Nguyễn Phong Nhã - phó cục trưởng Cục Viễn thông - cho biết: Đến tháng 6- 2022, các doanh nghiệp viễn thông đã triển khai chuẩn hóa đảm bảo 100% thông tin thuê bao di động hợp lý, nhưng khi phát triển thuê bao, các thông tin này chưa được đối soát với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Vì vậy, từ nay đến ngày 31-3, các nhà mạng sẽ tiến hành rà soát, yêu cầu người dùng thực hiện chuẩn hóa dữ liệu cá nhân thuê bao để trùng khớp với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Dự thảo nghị định bảo vệ dữ liệu cá nhân 'mới, khó, cần xem xét tính cấp bách'
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ dự thảo nghị định bảo vệ dữ liệu cá nhân là "nghị định không có đầu", khó và mới nên cần xem xét về sự cần thiết, tính cấp bách.
Cụ thể, theo ông Nguyễn Phong Nhã, đến ngày 31-3, các thuê bao di động đang hoạt động đều phải có thông tin đúng quy định và trùng khớp với thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Việc này nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác quản lý, góp phần giải quyết triệt để tình trạng sử dụng SIM thuê bao di động có thông tin không đúng quy định.
Theo đại diệnCục Viễn thông, với các thông tin thuê bao chưa trùng khớp với cơ sở dữ liệu dân cư, các nhà mạng phải tổ chức rà soát, đối chiếu, triển khai các giải pháp xác thực thông tin của các thuê bao đã có đủ giấy tờ và đăng ký thông tin đúng quy định.
Với trường hợp các thuê bao nghi ngờ không đúng quy định, nhà mạng sẽ thông báo liên tục trong ít nhất năm ngày, mỗi ngày ít nhất một lần yêu cầu cá nhân, tổ chức thực hiện lại việc giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung.
Trường hợp cá nhân, tổ chức không thực hiện theo yêu cầu, nhà mạng sẽ tạm dừng cung cấp dịch vụ viễn thông một chiều sau 15 ngày kể từ ngày đầu tiên gửi thông báo.
Sau 15 ngày tiếp theo, thuê bao sẽ bị tạm dừng cung cấp dịch vụ viễn thông cả hai chiều nếu vẫn không thực hiện thủ tục xác thực thông tin cá nhân.
Sau 30 ngày - kể từ ngày tạm dừng cung cấp dịch vụ viễn thông hai chiều - nếu cá nhân, tổ chức không thực hiện, nhà mạng sẽ được thanh lý hợp đồng, chấm dứt cung cấp dịch vụ viễn thông đối với những thuê bao này.
Theo Cục Viễn thông và đại diện các nhà mạng, những thuê bao nhận được đề nghị chuẩn hóa thông tin thuê bao cần tiến hành chuẩn hóa thông tin để đảm bảo quyền lợi của chủ thuê bao, tránh các trường hợp giả mạo, mạo danh để thực hiện hành vi trái pháp luật.
Người dùng cảnh giác với các tin nhắn lừa đảo về chuẩn hóa dữ liệu
Tại buổi làm việc với Cục Viễn thông, đại diện các nhà mạng đều khẳng định đã có quy trình hướng dẫn khách hàng thực hiện chuẩn hóa dữ liệu cá nhân. Đặc biệt, người dùng cần lưu ý các tin nhắn, cuộc gọi chính thức từ các nhà mạng, để không bị "dính" các tin nhắn,cuộc gọi lừa đảo.
Đại diện Viettel cho biết việc chuẩn hóa khá khó khăn vì tệp khách hàng trải dài trên nhiều tỉnh thành, quận, huyện, xã.
"Chúng tôi đã nhắn 5 lần trong 5 ngày liên tiếp, số lượng khách hàng phản hồi rất thấp, nhận thức của khách hàng chưa cao, nhiều khách hàng nghi ngờ sim rác nên không phản hồi" - nhà mạng Viettel phản ánh thực tế, đồng thời cho biết ngoài chuẩn hóa qua ứng dụng di động, tổng đài tiếp nhận, phát triển các nền tảng web để hỗ trợ khách hàng chuẩn hóa online và còn có nhân viên địa bàn hỗ trợ trực tiếp. Mục tiêu đến ngày 25-3 sẽ cố gắng chuẩn hóa toàn bộ khách hàng còn lại.
Nhà mạng Viettel hướng dẫn khách hàng cách chuẩn hóa thông tin
Đại diện VNPT-VinaPhone cho biết khách hàng VinaPhone cần chuẩn hóa sẽ nhận được tin nhắn có brandname "VinaPhone", cuộc gọi thông báo qua số 0888001091 và cuộc gọi hiển thị tên VinaPhone.