Rối bời với hóa đơn điện tử

11/11/2020 14:22
TTO - Hóa đơn điện tử vốn được xem là 'vũ khí' để chống lại hóa đơn giả, nhưng thông tin gần đây cho thấy hóa đơn điện tử cũng bị giả làm nhiều doanh nghiệp (DN) lo lắng.

TTO - Hóa đơn điện tử vốn được xem là 'vũ khí' để chống lại hóa đơn giả, nhưng thông tin gần đây cho thấy hóa đơn điện tử cũng bị giả làm nhiều doanh nghiệp (DN) lo lắng.

Rối bời với hóa đơn điện tử

Một khách hàng ở TP.HCM xem thông tin bản mã hóa file hóa đơn gốc - Ảnh: HOÀNG AN

Vậy hóa đơn điện tử đúng chuẩn phải thế nào?

Đến điện tử cũng... giả!

Chị Nguyễn Thanh U. (Hà Nội) cho biết mới đi công tác ở TP.HCM về. Hơn 10 ngày sau, chị U. mới nhận hóa đơn điện tử dạng file PDF. Muốn xem hóa đơn có hợp lệ, hợp pháp không, chị U. vào trang web tra cứu hóa đơn trên cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế.

Sau khi điền các thông tin mã số thuế người bán hóa đơn dịch vụ, mẫu số, ký hiệu hóa đơn, số hóa đơn lên bảng tra cứu của ngành thuế, kết quả là "Chỉ có một dòng người nộp thuế đang hoạt động, đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký thuế và thuộc Chi cục Thuế quận Thủ Đức quản lý.

Tôi không biết hóa đơn này có hợp pháp, đúng quy chuẩn hay không? Nếu hóa đơn điện tử xuất bằng file PDF rất có khả năng bị làm giả" - chị U. thắc mắc.

Theo ông Nguyễn Nam Bình, cục phó Cục Thuế TP.HCM, hiện nhiều người tưởng rằng file PDF được người bán gửi đến email cho người mua là hóa đơn điện tử nhưng thực tế không phải vậy. File PDF đó phải kèm theo file XML là file gốc chứa dữ liệu về hóa đơn... thì mới được coi là hóa đơn điện tử.

Tuy nhiên theo ông Bình, hiện có rất nhiều nhà cung cấp giải pháp hóa đơn điện tử khác nhau, mỗi nhà cung cấp lại có giải pháp và thiết kế khác nhau. Do vậy, nếu một DN giao dịch với hàng trăm đối tác, mỗi đối tác lại sử dụng một nhà cung cấp hóa đơn khác nhau nên khó có phần mềm nào đọc được tất cả chuẩn này.

Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, trước khi đại diện Cục Thuế TP.HCM lên tiếng cảnh báo, đã phát hiện tình trạng giả đường link của các nhà cung cấp giải pháp hóa đơn. Sau đó, những đối tượng này xuất hóa đơn điện tử "giả" có cả đường link và mã tra cứu, sau đó gửi cho bên mua.

Bên mua vào đường link tra cứu thấy hiện ra file PDF tưởng là hóa đơn thật nhưng thực ra không phải. Trong buổi tập huấn về áp dụng hóa đơn điện tử, Cục Thuế TP.HCM cũng đã cảnh báo tình trạng này đến các chi cục thuế trên địa bàn.

Không khéo doanh nghiệp "lãnh đủ"

Câu chuyện hóa đơn cũng là chuyện khiến các DN đau đầu, trong khi người nhận hóa đơn lo lắng. Chị Hà (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) cho hay từ trước đến nay chị cứ tưởng file PDF chị nhận đó chính là hóa đơn điện tử và yên tâm hóa đơn điện tử là không có giả mạo. Khi nghe thông tin trên chị rất lo lắng.

Phía bán hàng cho chị đường link và mã số để nhập vào kiểm tra, nhưng kết quả chỉ thấy hiện ra hóa đơn là file PDF như khách sạn đã gửi cho chị, còn file XML thì không đọc được.

"Trong khi theo như cơ quan thuế thông tin thì dữ liệu giữa hai file phải trùng nhau mới là hóa đơn hợp lệ nên tôi khá lo lắng", chị Hà nói.

Anh Huy, kế toán một DN tại TP.HCM, thừa nhận thực tế trên và cho biết DN nhận file gốc hóa đơn của 10 nhà cung cấp nhưng chỉ biết lưu chứ không có phần mềm nào mở lên xem để kiểm tra cả.

"Sao ngành thuế không quy định quy chuẩn thống nhất cũng như có phần mềm để DN tra cứu?", anh Huy đặt câu hỏi.

Kế toán của một DN vừa ở Hà Nội, anh V.A.Nam (Q.Tây Hồ), cho biết điều lo nhất là khi thanh toán và nhận hóa đơn rồi lại được thông báo đây là DN có vấn đề. Hóa đơn có nguy cơ bị hủy và chi phí mua hàng không được chấp nhận để trừ trước khi tính thuế.

Hơn nữa, DN sẽ bị cơ quan thuế "soi" là tiếp tay hay có làm ăn với đối tượng mua bán hóa đơn, làm ăn bất hợp pháp...

Chưa có phần mềm tra cứu chung

Ông Nguyễn Văn Thức, phó tổng giám đốc Công ty kiểm toán Đông Nam Á, cho biết theo quy định file PDF chỉ là hình thức thể hiện, quan trọng nhất dữ liệu trên file PDF phải trùng khớp với file XML - là file gốc hóa đơn.

Hiện do không có quy chuẩn thống nhất cho file XML nên hiện DN dùng hóa đơn của nhà cung cấp nào thì mới có phần mềm đọc file dữ liệu của nhà cung cấp đó.

Ông Nguyễn Nam Bình cho biết Cục Thuế TP.HCM đang làm việc với hai nhà cung cấp và vận động để hai nhà cung cấp này cho các DN sử dụng miễn phí phần mềm này một thời gian. Phần mềm này sẽ kiểm tra được tất cả file XML để DN có thể kiểm tra hóa đơn điện tử có hợp pháp, có phải là hóa đơn giả hay không.

"Vì hiện nay đã có một số đối tượng áp dụng để lừa đảo và hiện đã xuất hiện hóa đơn điện tử giả", ông Bình nói.

Ông Nguyễn Văn Được, tổng giám đốc Công ty TNHH kế toán và tư vấn thuế Trọng Tín, cho biết khi nghị định 123 có hiệu lực vào 1-7-2022 thì các dữ liệu của nhà cung cấp sẽ phải đổ về dữ liệu chung của Tổng cục Thuế, khi đó DN sẽ có thể tra cứu dễ dàng hơn.

Tuy nhiên, giai đoạn "quá độ" hiện nay vẫn cần có giải pháp cho DN để tránh tình trạng DN gặp phải hóa đơn giả.

Ông Thức cho biết do những rủi ro hiện nay nên phổ biến tình trạng bên mua yêu cầu song song hóa đơn điện tử phải in hóa đơn chuyển đổi, đóng mộc treo để gửi cho DN lưu. Nhiều ngân hàng hoặc nơi đăng ký xe cũng yêu cầu in hóa đơn có dấu thì mới chấp nhận.

Ông Thức cho rằng chính sự không liên thông giữa các cơ quan dẫn đến tình trạng này và đề nghị có sự thống nhất giữa các cơ quan để tránh tình trạng hiện nay.

* Ông Nguyễn Thái Linh (giám đốc Công ty TNHH giấy vi tính Liên Sơn):Chưa thoát cảnh hóa đơn không hợp lệ

Nếu có DN mới thành lập, đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử, có quyết định sử dụng hóa đơn điện tử và báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn, sau đó DN xuất hóa đơn này cho bên mua. Tra trên hệ thống của Tổng cục Thuế có hiện ra nhưng sau đó DN này chưa nộp thuế và bỏ trốn.

Khi đó, hóa đơn mà bên mua nhận rơi vào trường hợp hóa đơn không hợp lệ, và khi đó DN đối mặt với rủi ro không được tính vào chi phí hợp lý hợp lệ.

* Ông Đặng Ngọc Minh (phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế):

Từ 2021 thí điểm bắt buộc dùng hóa đơn điện tử

Rối bời với hóa đơn điện tử

Qua phản ánh của báo chí thấy có xuất hiện hiện tượng hóa đơn điện tử giả. Có hai khả năng xảy ra. Một là DN phát hành hóa đơn điện tử giả để trốn thuế. Đây thuộc trách nhiệm của DN.

Hai là khách hàng đi lấy phải hóa đơn điện tử của một DN giả mạo một DN chính danh khác. Cơ quan thuế làm đến cùng để truy trách nhiệm thuộc về ai để ngăn chặn hành vi này. Hóa đơn điện tử thường để lại dấu vết.

Về việc triển khai hóa đơn điện tử, ngành thuế hiện mới khuyến khích để tiết giảm chi phí in ấn và lưu giữ... Hóa đơn điện tử phải được định dạng điện tử, có chữ ký số và khi click vào số hóa đơn thì sẽ ra thông tin của người ký...

Theo kế hoạch, Tổng cục Thuế sẽ thực hiện thí điểm bắt buộc phát hành hóa đơn điện tử có mã xác thực của cơ quan thuế ngay trong đầu năm 2021 tại một số tỉnh thành. Sau khi thí điểm thành công rồi thì ngành thuế sẽ mở rộng thí điểm sử dụng hóa đơn điện tử tại một số địa phương nữa để chính thức áp dụng trên toàn quốc từ tháng 7-2022.

Về thực trạng hóa đơn điện tử được mỗi DN phát hành một kiểu, hiện chưa có sự đồng nhất. Hóa đơn điện tử file PDF là chưa đúng quy định, không có giá trị pháp lý. Cơ quan thuế sẽ thanh tra, kiểm tra. Nếu DN vi phạm quy định về hóa đơn điện tử thì sẽ bị xử phạt.

Cục Thuế TP.HCM cảnh báo: Hóa đơn điện tử cũng bị làm giả

TTO - Thông tin trên được ông Nguyễn Nam Bình, phó cục trưởng Cục Thuế TP.HCM, cung cấp tại hội nghị đối thoại giữa doanh nghiệp và Cục Thuế TP.HCM tổ chức hôm nay, 29-10.

ÁNH HỒNG - LÊ THANH

Theo tuoitre.vn

Rối bời với hóa đơn điện tử - Tài Chính

ds

Kmarket Mall - Apps on Google Play