Người dân gửi tiền vào ngân hàng thấp kỷ lục trong gần một thập niên

31/08/2021 15:39
Nửa đầu năm người dân đã gửi ròng thêm gần 151.200 tỷ vào ngân hàng nhưng nếu so với cùng kỳ thì đây là mức tăng ròng tiền gửi cư dân thấp nhất trong gần một thập niên trở lại đây.

Dân gửi thêm 151.200 tỷ vào ngân hàng, vẫn thấp kỷ lục

Dữ liệu do Ngân hàng Nhà nước công bố cho thấy, tính chung nửa đầu năm, người dân đã gửi ròng thêm khoảng 151.200 tỷ đồng vào các ngân hàng. Trong khi đó, tiền gửi của nhóm khách hàng tổ chức, doanh nghiệp là gần 233.200 tỷ đồng.

Tính riêng tháng 6, lượng tiền gửi của người dân vào các ngân hàng đã tăng ròng trên 17.350 tỷ đồng, tương ứng tăng 0,32% so với tháng 5. Còn lượng tiền gửi của tổ chức kinh tế, doanh nghiệp tăng thêm trong tháng 6 là trên 74.200 tỷ đồng, tăng 1,47% so với tháng liền trước và là tháng tăng ròng cao thứ 2 từ đầu năm (chỉ sau mức tăng gần 203.000 tỷ đồng hồi tháng 3).

Dù số liệu cho thấy người dân gửi nhiều tiền hơn vào ngân hàng tính từ tháng 7/2020 đến cuối tháng 6 năm nay nhưng mức này lại thấp nhất so với cùng kỳ trong gần một thập niên trở lại đây. Con số này của cùng kỳ năm 2019 và 2020 lần lượt là 348.400 tỷ và 245.850 tỷ đồng.

Trong giai đoạn 2016-2020, tăng trưởng ròng tiền gửi của dân cư tại ngân hàng bình quân vào khoảng 330.000 tỷ đồng/nửa đầu năm. 2016-2020 cũng là thời điểm lãi suất huy động tăng vọt lên mức cao, có lúc trên 20%/năm.

Thời kỳ những năm 2013 và 2014, khi lãi suất huy động còn ở mức khá cao 7-9%/năm, tăng trưởng tiền gửi của dân cư cùng kỳ so sánh từng lên tới 13,55% và 9,83%. Tuy nhiên, cùng kỳ hai năm gần đây, tiền gửi dân cư lần lượt còn tăng 3,37% tại tháng 4/2020 và thấp nhất là tăng 2,34% tại tháng 4/2021.

Người dân gửi tiền vào ngân hàng thấp kỷ lục trong gần một thập niên

Người dân gửi tiền thấp kỷ lục trong gần một thập niên.

Trước đây, gửi tiết kiệm vào ngân hàng được đánh giá là kênh đầu tư an toàn, nhất là trong thời điểm dịch bệnh. Nhưng mức lãi suất tiết kiệm thấp như hiện nay đã khiến dòng tiền tích lũy của người dân dịch chuyển sang các kênh đầu tư khác có mức sinh lời cao như chứng khoán, vàng, bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp...

Dữ liệu do Bộ Tài chính công bố cho thấy, trong 6 tháng đầu năm, khối lượng trái phiếu phát hành ra công chúng đạt trên 15.000 tỷ đồng, tăng 53% so với cùng kỳ năm 2020, chiếm 8% tổng khối lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành, cao hơn mức 6,5% của năm 2020. Trong đó có không ít doanh nghiệp phát hành trái phiếu sử dụng mồi nhử lãi suất cao, trung bình ở mức gấp 1,5 lần, thậm chí gấp 2 lần lãi suất huy động của ngân hàng.

Bơm khoảng 130.000 tỷ đồng vào thị trường

Trên thị trường ngân hàng, dù biểu lãi suất tại một số ngân hàng nhích nhẹ kể từ đầu tháng 8, nhưng lãi suất tiết kiệm cao nhất  vẫn lùi về dưới mức 8%, hiện dao động từ 5,4 - 7,4%. Lãi suất tiết kiệm duy trì ở mức thấp khiến cho tiền gửi cá nhân ở các ngân hàng tăng chậm kỷ lục.

Lãnh đạo một ngân hàng cho hay, không chỉ mặt bằng lãi suất tiết kiệm thấp mà ngay cả với ngân hàng, nguồn vốn huy động vào nhưng cho vay không dễ trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp.

TS Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo & Nghiên cứu BIDV dự kiến, tổng số tiền ngành ngân hàng hỗ trợ cho nền kinh tế trong năm nay là khoảng 62.200 tỷ đồng, mức hỗ trợ chưa từng có trong lịch sử ngân hàng. Con số này cao gấp hơn 2 lần tổng hỗ trợ năm 2020 và tương đương gần 30% lợi nhuận dự kiến của ngành ngân hàng năm 2021.

Riêng chính sách miễn giảm lãi và cho vay mới với lãi suất ưu đãi có thể khiến cho lợi nhuận của các ngân hàng giảm 52.300 tỷ đồng.

Mặt bằng lãi suất cho vay giảm cũng kéo mặt bằng huy động giảm theo. Nửa cuối tháng 8, nhiều ngân hàng đã giảm mạnh biểu lãi suất tiết kiệm trong đó có tới 2 "ông lớn" quốc doanh điều chỉnh giảm 0,1 điểm % lãi suất đối với các khoản tiền gửi từ 12 tháng trở lên. 

Tại các kỳ hạn dài từ 12 tháng đến 36 tháng, biểu lãi suất của Agribank và BIDV đã giảm nhẹ 0,1 điểm %, về 5,5%/năm. Đây cũng là mức lãi suất tiết kiệm cao nhất tại 2 ngân hàng này.

Trong nhóm "Big 4", Agribank, BIDV và Vietcombank niêm yết biểu lãi suất tương đồng nhau; còn tại VietinBank, mức lãi suất cao nhất vẫn đang duy trì ở mức 5,6%/năm, không đổi kể từ nhiều tháng trước đó.

Người dân gửi tiền vào ngân hàng thấp kỷ lục trong gần một thập niên

Lãi suất giảm sâu, Ngân hàng Nhà nước vừa bơm ra thị trường khoảng 130.000 tỷ đồng (Ảnh: Quốc Chính).

Ở khối ngân hàng cổ phần tư nhân, Sacombank giảm khoảng 0,2-0,4%/năm ở nhiều kỳ hạn so với trước đó.

Với kỳ hạn từ 1 tháng, lãi suất tiết kiệm tại Sacombank giảm 0,2 điểm %, xuống chỉ còn 2,9%. Tương tự, kỳ hạn 3 tháng chỉ còn 3%/năm và kỳ hạn 9 tháng xuống còn 4,5%/năm, giảm mạnh tới 0,4 điểm % so với trước đó.

Techcombank cũng đã có 2 lần điều chỉnh lãi suất tiết kiệm trong tháng 8, lần điều chỉnh gần nhất là từ ngày 23/8. So với đầu tháng 8, lãi suất tiết kiệm thường của Techcombank đã giảm khoảng 0,1 điểm %.

Eximbank cũng mới áp dụng biểu lãi suất huy động mới đối với khách hàng cá nhân từ ngày 26/8.

Theo đó, lãi suất tiết kiệm khi gửi tại quầy hiện chỉ còn 6,1%/năm, áp dụng cho kỳ hạn 15-36 tháng, giảm 0,2 điểm % so với trước đó. Tại kỳ hạn 12 tháng, lãi suất gửi tại quầy Eximbank cũng giảm 0,2 điểm % xuống 5,9%/năm.

TPBank giảm mạnh nhất lãi suất gửi tiết kiệm kỳ hạn 18 tháng với mức giảm lên tới 0,8 điểm %, xuống còn 6%/năm. Lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 9 tháng cũng giảm mạnh 0,5% điểm % xuống còn 5,7%/năm.

Lãi suất huy động giảm tại nhiều ngân hàng trong bối cảnh thanh khoản hệ thống trở lại dư thừa trong vài tháng trở lại đây. Trong tháng 7, tháng 8, Ngân hàng Nhà nước đã bơm hàng trăm nghìn tỷ đồng vào hệ thống thông qua đáo hạn các hợp đồng bán ngoại tệ.

Báo cáo thị trường tiền tệ tuần 23/8 - 27/8 của bộ phận phân tích Chứng khoán SSI (SSI Research) cho thấy, các hoạt động thị trường mở không phát sinh giao dịch mới. Trong khi đó, việc thực hiện các hợp đồng bán ngoại tệ kỳ hạn 6 tháng giai đoạn tháng 1 và tháng 2 đã kết thúc với tổng giá trị thực hiện ước tính khoảng 5,5 tỷ USD (khoảng 130.000 tỷ đồng), thấp hơn so với lượng đăng ký do có một số hợp đồng bị hủy ngang.

Bên cạnh đó, việc dịch bệnh bùng phát mạnh và nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 đã khiến cầu tín dụng bị ảnh hưởng mạnh. Hoạt động huy động trên thị trường 1 có dấu hiệu tăng chậm theo. Tổng huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn TP.HCM cuối tháng 7 ước đạt hơn 3,02 triệu tỷ đồng, chỉ tăng 0,5% so với tháng trước và tăng 4% so với cuối năm 2020.

Theo dantri.com.vn

Người dân gửi tiền vào ngân hàng thấp kỷ lục trong gần một thập niên - Tài Chính

ds

Kmarket Mall - Apps on Google Play