"Hiện nay quy định mức thu nhập không phải chịu thuế và mức giảm trừ gia cảnh khá thấp so với chi phí thực tế, nên nhiều người có thu nhập thấp đô thị lại không đủ điều kiện được hưởng chính sách nhà ở xã hội", Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM phân tích.
Nhiều người dân vẫn khó tiếp cận với nhà ở xã hội. Ảnh: LDO
Bộ Xây dựng vừa trình Chính phủ và lấy ý kiến rộng rãi nội dung dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) để dự kiến trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến vào thời gian tới.
Trong đó, Bộ Xây dựng chỉ ra nhiều hạn chế của luật Nhà ở 2014 như việc phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân còn nhiều quy định chưa chặt chẽ, thiếu đồng bộ; quy định về điều kiện lựa chọn chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội còn chưa thống nhất với quy định của pháp luật về đầu tư công, đầu tư, xây dựng, đấu thầu, đất đai, kinh doanh bất động sản...
Liên quan tới việc này, ngày 19.9, trao đổi với PV Lao Động, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA) - cho biết, Hiệp hội đã có văn bản gửi Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM báo cáo đề xuất giải quyết một số “vướng mắc” của Luật Nhà ở 2014 và pháp luật liên quan để phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững.
Trong văn bản này, HoREA chỉ ra nhiều bất cập trong đó có những bất cập liên quan tới đối tượng hưởng chính sách về nhà ở xã hội.
Phân tích về những bất cập này, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA - cho hay, theo Luật Nhà ở 2014 đối tượng hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội “phải thuộc diện không phải chịu thuế thu nhập thường xuyên theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập cá nhân”.
Tuy nhiên, hiện nay quy định mức thu nhập không phải chịu thuế và mức giảm trừ gia cảnh khá thấp so với chi phí thực tế, nên nhiều người có thu nhập thấp đô thị lại không đủ điều kiện được hưởng chính sách nhà ở xã hội.
Theo đó, theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập cá nhân, đối tượng có mức thu nhập không vượt quá 11 triệu đồng/tháng (nếu có người phụ thuộc thì được cộng thêm mức giảm trừ gia cảnh 4,4 triệu đồng/người/tháng đối với cha, mẹ, con cái…) thì không phải nộp thuế thu nhập cá nhân.
Theo HoREA, mức thu nhập này là khá thấp. Trong lúc mức chi thực tế cho 1 cháu độ tuổi mẫu giáo, tiểu học tại đô thị không dưới 6 triệu đồng/tháng, dẫn đến nhiều cán bộ công chức, viên chức nhà nước, cán bộ lực lượng vũ trang và một số đối tượng công nhân lao động nặng nhọc, độc hại tuy có mức thu nhập thuộc diện phải nộp thuế thu nhập thường xuyên, nhưng thực chất vẫn là người có thu nhập thấp đô thị lại không đủ điều kiện được thuê, mua, thuê mua nhà ở xã hội.
Bên cạnh đó, Luật Thuế thu nhập cá nhân cũng có “bất cập” là quy định chỉ điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh khi chỉ số tăng giá CPI tăng từ 20% trở lên mà liên tục trong 5 năm gần đây, Chính phủ điều hành chỉ số CPI chỉ tăng dưới 4%.
Do vậy, Chủ tịch HoREA cho rằng, rất cần thiết phải xem xét điều chỉnh tăng mức thu nhập tối thiểu và tăng mức giảm trừ gia cảnh cho phù hợp với thực tiễn.
Ông Lê Hoàng Châu kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét tăng mức thu nhập tối thiểu không phải chịu thuế thu nhập cá nhân từ 11 triệu đồng lên khoảng 13 triệu đồng (hoặc mức cao hơn) và tăng mức giảm trừ gia cảnh từ mức 4,4 triệu đồng lên khoảng 5,5 triệu đồng (hoặc mức cao hơn) để phù hợp hơn với thu nhập thực tế sau 7 năm thực hiện Luật Nhà ở 2014 và tạo điều kiện có thêm một số đối tượng thu nhập thấp đô thị cũng được hưởng chính sách nhà ở xã hội.
HoREA cũng đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét quy định đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội là “Sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân trong cơ quan, đơn vị thuộc công an nhân dân và quân đội nhân dân” không áp dụng điều kiện “phải thuộc diện không phải chịu thuế thu nhập thường xuyên” đối với các đối tượng này do tính chất lao động đặc biệt của các lực lượng vũ trang.