Nâng trần lãi suất huy động, Ngân hàng Nhà nước đã tính đến mục tiêu bình ổn lãi suất cho vay

06/10/2022 13:58
Ngân hàng Nhà nước đang vận động các tổ chức tín dụng tiếp tục tiết giảm chi phí hoạt động qua đó tạo điều kiện về mặt tài chính để giữ ổn định mặt bằng lãi suất cho vay...

 

Nâng trần lãi suất huy động, Ngân hàng Nhà nước đã tính đến mục tiêu bình ổn lãi suất cho vay

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đoàn Thái Sơn

Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9, trả lời câu hỏi Ngân hàng Nhà nước có giải pháp gì để bình ổn lãi suất cho vay tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất trong những tháng cuối năm, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đoàn Thái Sơn cho biết, Chính phủ đã có chỉ đạo về mặt nguyên tắc, Ngân hàng Nhà nước khi điều chỉnh lãi suất điều hành cũng đã tính đến mục tiêu này.

Do đó, trong số trần lãi suất điều chỉnh tăng thì Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất điều hành và trần lãi suất tiền gửi, đồng thời giữ nguyên trần lãi suất cho vay. Điều này thể hiện việc điều hành của Ngân hàng Nhà nước đã hướng đến các mục tiêu ổn định mặt bằng lãi suất cho vay.

“Đồng thời chúng tôi cũng vận động các tổ chức tín dụng tiếp tục rà soát để tiết giảm các chi phí hoạt động. Qua đó tạo điều kiện về mặt tài chính để giữ ổn định mặt bằng lãi suất cho vay hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong thời gian tới”, ông Sơn nhấn mạnh.

Cũng theo Phó Thống đốc, trong 9 tháng qua, nền kinh tế thế giới có nhiều biến động, đặc biệt là giá hàng hóa cũng như lạm phát ở nhiều quốc gia tăng rất cao và trong thời gian gần đây Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã liên tục tăng lãi suất điều hành để chống lạm phát.

Trong bối cảnh đó, để đối phó với lạm phát và giảm bớt tác động từ bên ngoài, Ngân hàng Trung ương các nước đã tăng mạnh lãi suất điều hành. Tính từ đầu năm 2022, có 262 lượt tăng lãi suất của Ngân hàng Trung ương các nước. Điều này cho thấy cuộc chiến chống lạm phát trên toàn thế giới đang diễn ra rất quyết liệt và Ngân hàng Trung ương các nước rất kiên quyết để thực hiện nhiệm vụ này.

Về phía Việt Nam, mục tiêu xuyên suốt của Chính phủ là điều hành các công cụ để góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định nền kinh tế vĩ mô cũng như hỗ trợ phục hồi kinh tế, đặc biệt ổn định các thị trường, bảo đảm an toàn hoạt động của các tổ chức tín dụng.

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước cũng đã bám sát nhằm hướng tới mục tiêu này. Trong 8 tháng năm 2022, Ngân hàng Nhà nước giữ nguyên các mức lãi suất điều hành và đến tháng 9, lần điều chỉnh gần đây nhất của Fed, Ngân hàng Nhà nước có tăng một số mức lãi suất trần tiền gửi cho các ngân hàng thương mại.

Mục tiêu của việc này là bảo đảm nhiệm vụ đặt ra từ đầu là ưu tiên cho kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm duy trì lãi suất thực dương cho lãi suất tiền gửi để hài hòa lợi ích của các bên tham gia trên thị trường tiền tệ.

Đồng thời, theo Phó Thống đốc, việc này cũng tạo điều kiện cho hệ thống ngân hàng có thể tiếp tục duy trì thu hút tiền gửi và có nguồn tài chính cho vay, hỗ trợ cho nền kinh tế trong thời gian tới.

Trước đó, như VnEconomy đã đưa, ngày 23/9, Ngân hàng Nhà nước vừa có quyết định chính thức điều chỉnh một loạt lãi suất điều hành, bao gồm cả việc quy định trần lãi suất tiền gửi có kỳ hạn 1 tháng đến 6 tháng tăng từ 4% lên 5%/năm. Ngay trong ngày đầu tiên quyết định trên có hiệu lực, hàng loạt ngân hàng thương mại đã tăng biểu lãi suất huy động ngắn hạn mới với nhiều kỳ hạn niêm yết ở mức tối đa cho phép.

Thậm chí đến nay, "cuộc đua" tăng lãi suất huy động cũng đã có sự góp mặt của 4 ngân hàng thương mại nhà nước gồm Vietcombank, VietinBank, BIDV và Agribank.

 

Theo Nguồn vneconomy.vn

Nâng trần lãi suất huy động, Ngân hàng Nhà nước đã tính đến mục tiêu bình ổn lãi suất cho vay - Tài Chính

ds

Kmarket Mall - Apps on Google Play