Trình bày tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, Chính phủ đề xuất đưa ra khỏi danh mục hàng hóa, dịch vụ do nhà nước định giá 14 hàng hóa, dịch vụ không phù hợp.
Có thể kể đến như: một số nội dung của thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; dịch vụ trong lĩnh vực chứng khoán (trừ dịch vụ do nhà nước cung cấp); thuốc lá điếu sản xuất trong nước; dịch vụ quy hoạch; thù lao công chứng; nhà ở xã hội do cá nhân, hộ gia đình đầu tư xây dựng…
Bên cạnh đó, Chính phủ đề nghị bổ sung 2 mặt hàng vào danh mục gồm sách giáo khoa và hàng hóa, dịch vụ phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, an ninh thực hiện đặt hàng, giao nhiệm vụ cho các đơn vị, doanh nghiệp quốc phòng, an ninh sản xuất.
Theo ông Phớc, sách giáo khoa là mặt hàng có thị trường cạnh tranh hạn chế, ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân. Mặt hàng này được Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị bổ sung vào Danh mục hàng hóa, dịch vụ do nhà nước định giá.
Tại Nghị quyết kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV đã thống nhất, yêu cầu bổ sung sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá khi sửa đổi Luật Giá. Do vậy, việc định giá mặt hàng này sẽ giao cho Bộ Giáo dục Đào tạo định giá cụ thể.
Sự can thiệp sâu từ phía Nhà nước làm giảm tính cạnh tranh lành mạnhThẩm tra sơ bộ về dự án Luật Giá (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường đã có ý kiến về thẩm quyền quyết định danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá.Qua rà soát danh mục, Thường trực Ủy ban cho biết, so với quy định của luật hiện hành, dự thảo luật bổ sung nhiều hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá như dịch vụ giao thông đường sắt, đường thủy nội địa, đường bộ, cảng biển, hoa tiêu; giá dịch vụ vận chuyển, phân phối khí thiên nhiên do Bộ Công Thương quyết định giá cụ thể... Việc quy định Nhà nước định giá nhiều dịch vụ có thể sẽ dẫn đến sự can thiệp sâu từ phía Nhà nước, làm giảm tính cạnh tranh lành mạnh theo cơ chế thị trường, ảnh hưởng đến lợi ích, quyền lựa chọn của người tiêu dùng. Vì vậy, đề nghị rà soát, để một mặt bảo đảm vai trò quản lý nhà nước song phải tôn trọng yếu tố thị trường.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Phú Cường.
Thứ hai, tiêu chí để xác định hàng hóa, dịch vụ thuộc diện do Nhà nước định giá còn khá chung chung. Ví dụ, việc quy định: “Hàng hóa, dịch vụ thiết yếu… ảnh hưởng đến kinh tế xã hội, đời sống người dân, hoạt động sản xuất kinh doanh” sẽ dẫn đến phạm vi áp dụng có thể khá rộng. Vì vậy, đề nghị nghiên cứu bổ sung các tiêu chí để bảo đảm tính cụ thể, tránh áp dụng tùy tiện, ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng.
Thứ ba, đối với một số lĩnh vực đặc thù cần đánh giá kỹ thực tiễn để có quy định khắc phục những bất cập phát sinh thời gian qua, một mặt bảo đảm không để lỗ hổng trong quản lý song phải khả thi để không làm ách tắc quá trình vận hành xã hội như việc định giá đối với vật tư, trang thiết bị y tế.
Đối với giá sách giáo khoa, đây là mặt hàng thiết yếu. Giá sách giáo khoa có phạm vi ảnh hưởng rất rộng, tác động trực tiếp đến người dân, trong đó có người thu nhập thấp. Vì vậy, cần thiết phải kiểm soát, khống chế giá để bảo đảm không tác động tiêu cực đến người tiêu dùng. Tuy nhiên, hiện nay có nhiều đơn vị được phép phát hành sách, thị trường có tính cạnh tranh.
Do vậy, để bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người dân, nhất là người nghèo, Thường trực Ủy ban đề nghị Nhà nước quy định giá bán tối đa; không ấn định giá, để các đơn vị phát hành sách quyết định giá bán cụ thể nhằm tạo tính cạnh tranh, góp phần hạ giá bán, bảo đảm và quyền lợi của người dân; đồng thời cần kiểm soát việc tổ chức thực hiện, bảo đảm không để thông đồng giá.
Bộ Tài chính Sách giáo khoa Giá sách giáo khoa Luật Giá Kiểm soát giá sách An Giang thông tin về “thư ngỏ” kêu gọi hỗ trợ sách giáo khoa cho học sinh