Hàng quán dè dặt mở cửa lại

10/09/2021 08:47
TP HCMVui mừng vì được kinh doanh lại, nhưng nhiều hàng quán hôm nay chưa dám mở bán vì sợ lỗ hoặc lo thiếu shipper.

TP HCMVui mừng vì được kinh doanh lại, nhưng nhiều hàng quán hôm nay chưa dám mở bán vì sợ lỗ hoặc lo thiếu shipper.

Chị Liên bán hủ tiếu, bánh canh tại phường Long Trường (TP Thủ Đức) cho biết, tối qua (8/9) khi hay tin TP HCM cho phép hàng quán bán mang về, chị cảm thấy rất mừng vì có thể hoạt động lại sau hơn 2 tháng đóng cửa. Là hộ kinh doanh gia đình, chị Liên và chồng nấu chính, con trai đang học cuối cấp phụ giúp việc vặt. Vì vậy, chị không quá bận tâm về những quy định liên quan phòng dịch mà thành phố đưa ra.

Cụ thể, các cơ sở kinh doanh phải hoạt động theo phương thức "3 tại chỗ". Người lao động tham gia phải tiêm ngừa ít nhất một mũi vaccine Covid-19 và xét nghiệm âm tính với nCoV, tần suất hai ngày một lần. Các cơ sở muốn mở cửa phải đăng ký kinh doanh với quận, huyện để được cấp giấy đi đường cho nhân viên.

Vấn đề chị Liên lo nhất hiện nay là tìm shipper nhận đơn. "Thời gian trước, ít người bán, tôi tìm shipper đã rất khó khăn. Giờ nhiều hàng quán bán hơn, việc tìm shipper sẽ rất chật vật", chị nói. Do đó, hôm nay chị Liên chỉ dám bán cầm chừng để thăm dò tình hình.

Hàng quán dè dặt mở cửa lại

Tiệm hủ tiếu trên đường Nơ Trang Long (quận Bình Thạnh) bán trở lại sáng 9/9. Ảnh: Quỳnh Trần

Theo ghi nhận của VnExpress trong sáng 9/9, dịch vụ giao thức ăn đã hoạt động trở lại trên các ứng dụng. Tuy nhiên, mục này đa số gồm các cửa hàng bán thực phẩm tươi sống và hàng hoá thiết yếu khác. Số lượng cửa hàng bán thức ăn, đồ uống còn rất ít, nhất là khu vực ngoại thành.

Nguyên nhân là nhiều chủ cơ sở nhỏ lẻ vẫn còn tỏ ra thận trọng trong việc hoạt động lại. Ở quận 7, nơi được xem là kiểm soát dịch bệnh tốt, anh Minh Trí, chủ một tiệm bún cá đã trả mặt bằng vào tháng 7, cho biết bài toán mở lại với anh đầy thử thách.

"Giờ thuê mặt bằng lại mà chỉ bán mang đi thì chắc chắn lỗ. Việc nấu bán tại nhà, tôi cũng chỉ mới cân nhắc, vì giá nguyên liệu đang quá cao mà khó kiếm đủ. Bán một tô bún cá phải tầm 50.000-60.000 đồng mới có lời, nhưng người ta mua mang về cộng tiền ship vào thì thành 80.000-90.000 một tô. Giá này thì có bao nhiêu người đặt mua", anh băn khoăn.

Các hàng quán gia đình khác cũng chung tâm trạng. Ông Thành Lâm (phường 13, quận Bình Thạnh) từng bán khoảng 60-80 phần cơm tấm mỗi ngày trước dịch, đã đóng cửa hai tháng nay. "Tiệm tôi nhỏ lẻ, giờ nguyên liệu nào cũng có giá cao, nếu bán chậm sẽ không có lời nên hôm nay tôi chưa dám mở lại", ông nói và cho biết chờ đến ngày 15/9 có thêm các thông tin mới quyết định hoạt động lại.

Cách tiệm ông Lâm khoảng 100 m là tiệm cơm phần của gia đình anh Hoàng Anh. Nhà anh Anh hôm nay cũng chưa đăng ký kinh doanh lại vì trước chỉ bán cho người quen trong khu vực. Anh cũng không biết cách đăng ký dịch vụ giao nhận hàng trực tuyến.

"Trước tiệm bán hủ tiếu, bánh canh, nui, bún bò... mỗi ngày khoảng 50-60 phần, chủ yếu đủ tiền sinh hoạt chứ không làm ăn lớn. Tôi chờ khi có thông tin mới để các quán được bán đồng loạt, mới mở lại", anh nói.

Những hàng quán có quy mô lớn, với đông nhân viên hay theo mô hình chuỗi hôm nay đa phần cũng im lặng "chờ đợi thêm thông tin".

Ở phường Phú Hữu (TP Thủ Đức), quán bún bò - bún riêu của chị Thanh quyết định vẫn "cửa đóng then cài". Trước đây, khi mở bán, chị chủ yếu lo khâu quản lý, việc nấu bếp và phục vụ đều thuê nhân viên. Giờ nếu muốn mở cửa lại, chị phải xin cấp phép từ UBND phường, lo khâu xét nghiệm hai lần một ngày và nhiều điều kiện "3 tại chỗ" cho nhân viên. Theo chị, đây sẽ là những khoản chi phí không hề nhỏ.

"Bán mang về chưa biết sẽ lời bao nhiêu mà phải gánh thêm những khoản phí này, tôi thấy quá áp lực", chị cho biết. Vì vậy, chị chỉ bán cầm chừng cho khách quen. Ai có nhu cầu ăn bún, tối hôm trước sẽ nhắn tin chốt đơn. Sáng hôm sau, họ tự mang tô đến đặt trước nhà, chờ chị cho bún vào rồi mang về.

Hàng quán dè dặt mở cửa lại

Hàng quán ở Sài Gòn ngày đầu dè dặt mở bán mang về. Ảnh: Quỳnh TrầnNgoài ra, đa số giới kinh doanh chuỗi trong ngày đầu được hoạt động lại cũng chỉ "quan sát". Bà Trần Thị Hữu Hoà - CEO chuỗi nhà hàng Mộc Riêu Nướng, chỉ ra 2 nhóm thách thức chính.Thứ nhất là chi phí sản xuất từ "3 tại chỗ", xét nghiệm nhanh. "Môi trường nhà hàng không giống nhà máy hay văn phòng, khó có thể linh hoạt về công năng để có thể làm chỗ ăn ngủ, sinh hoạt cho nhân viên. Bên cạnh đó, việc lo chỗ ở, ăn uống cũng đồng nghĩa với việc chủ phải lo, chi phí hoạt động vì thế sẽ tăng lên. Còn quy định hiện yêu cầu 2 ngày test nhanh một lần. Giả sử một tháng có 10 người đi làm thì đã tốn thêm chi phí 4 triệu đồng", chị tính toán.Thứ hai, là hàng quán chưa chuẩn bị kịp nguồn nhân lực. Người lao động phần lớn đã về quê nên việc tập hợp lại nhân viên trong thời gian này không dễ. Còn nhân viên ở tại TP HCM cũng khó, vì hiện các quy định xin giấy đi đường đang giới hạn số lượng cho doanh nghiệp. "Tôi chưa nghe hướng dẫn cụ thể gì về việc doanh nghiệp F&B nhỏ lẻ xin giấy phép cho nhân viên từ nhà đến chỗ làm để thực hiện '3 tại chỗ' ra sao", chị Hòa nói.

Tượng tự, ông Hoàng Tiễn, Nhà sáng lập chuỗi Coffee Bike cho biết vẫn quyết định dành thêm hai tuần để quan sát. "Bây giờ mở ra chỉ có lỗ thêm", ông nói.

Theo ồng Tiễn, giá nguyên liệu đã tăng mạnh, chi phí mặt bằng cùng xét nghiệm và "3 tại chỗ" cho nhân viên... cộng lại sẽ dẫn đến việc muốn có lãi phải tăng giá bán sản phẩm.

"Trong mùa dịch thì sao mình tăng giá bán được. Chưa kể mấy lần trước tôi cứ mở rồi đóng do quy định đổi thường xuyên. Chúng tôi không thể kinh doanh được trong môi trường biến động liên tục như vậy", ông Tiễn nói. Do đó, đại đa số những người trong ngành mà ông biết cũng đang án binh bất động để "chờ thời".

Các công ty kinh doanh F&B cho rằng, với chi phí khởi động lại khá cao trong lúc tình hình Covid-19 liên tục biến động, thậm chí là lập đỉnh mới, hoạt động lại không khác gì đang "đi trên dây". Trong đó, nguồn vốn để làm lại là chuyện không đơn giản. "Sau 4-5 lần tái khởi động suốt hai năm qua, ngã ít còn đứng dậy nổi chứ ngã hoài sức đâu dậy nữa", một CEO trong ngành F&B nói.

Bà Hòa nói trong lúc khó để cân bằng bài toán chi phí nếu hoạt động lại với quy định hiện hành, việc có thêm phương án hỗ trợ cụ thể cho doanh nghiệp F&B sẽ khả thi hơn để vực dậy nhóm dịch vụ này. Còn ông Tiễn dự báo, phải sớm nhất là khi nào shipper được tự do đi lại liên quận, thị trường ăn uống mới thực sự có triển vọng hồi sinh.

Viễn Thông - Tất Đạt - Huỳnh NhiTrở lại Kinh doanhTrở lại Kinh doanhChia sẻ ×

Theo Nguồn vnexpress.net

Hàng quán dè dặt mở cửa lại - Thị Trường

ds

Kmarket Mall - Apps on Google Play