Hai nhà thầu Việt Nam tham gia dự án thủy điện 180 triệu USD có đập cao nhất Nepal: SJG tăng 30% trong vòng 3 ngày, TV1 bình tĩnh đi lên không mệt mỏi
Ngọc Điệp |
18/11/2023 12:04
Hai nhà thầu Việt Nam tham gia dự án thủy điện 180 triệu USD có đập cao nhất Nepal: SJG tăng 30% trong vòng 3 ngày, TV1 bình tĩnh đi lên không mệt mỏi
Dự án Thủy điện Tanahu với công suất 140 MW, với giá trị hợp đồng 180 triệu USD được xây dựng nhằm đáp ứng nhu cầu điện ở Nepal, đặc biệt trong những tháng mùa đông khô hạn.
Ngày 06/11/2023, tại vùng Byas, gần thị trấn Damauli, thuộc Quận Tanahun, Nepal đã diễn ra lễ dẫn dòng cho dự án thủy điện Tanahu, theo đó dòng sông SETI đã được chuyển hướng thành công vào đường hầm dẫn dòng-2 của dự án.
Đây là công trình thủy điện có đập cao nhất Nepal tính tới thời điểm hiện tại với địa hình, địa chất rất phức tạp.
Dự án Thủy điện Tanahu với công suất 140 MW, với giá trị hợp đồng 180 triệu USD được xây dựng nhằm đáp ứng nhu cầu điện ở Nepal, đặc biệt trong những tháng mùa đông khô hạn. Thuỷ điện này sẽ hoạt động như một nhà máy điều tần phụ tải trong thời gian còn lại của năm. Sản lượng điện trung bình hàng năm của nhà máy ước tính là 587,7 GWh (Năm 1-10) và 489,9 GWh (từ năm thứ 11 trở đi).
Dự kiến nhà máy được đưa vào sử dụng vào tháng 6/2024.
Tại dự án xây dựng và vận hành công trình thủy điện Tanahu này, Liên danh Sông Đà - Kalika (Nepal) - PECC1 đảm nhận gói thầu số 1 gồm các đầu việc chính như lắp đặt công trường chung, thiết kế và xây dựng các công trình dẫn dòng; Khảo sát địa kỹ thuật bổ sung liên quan đến khoan phun chống thấm đập chính, các cửa đường hầm dẫn dòng, nền móng của đập chính và đập phụ trợ hạ lưu…
Ngoài ra, liên danh sẽ thiết kế và xây dựng đập chính, đập trọng lực bê tông, đập tràn, bể tiêu năng và đập phụ bê tông ở hạ lưu. Thiết kế và xây dựng các biện pháp ổn định/chống xói mòn mái dốc trong khu vực hồ chứa, sáu hành lang khoan phun trong đập (tổng chiều dài khoảng 1.350 m) và hầm phụ tiếp cận vào các hành lang khoan phun cũng như đến đê quai thượng lưu (tổng chiều dài khoảng 1.020 m). Phát triển, quản lý và phục hồi các khu vực bãi thải.
2 nhà thầu Việt Nam tham gia gói thầu số 1 của dự án
Tổng công ty Sông Đà (mã CK: SJG) tiền thân là một doanh nghiệp nhà nước được thành lập từ năm 1961. Ngày 26/3/2018, Tổng công ty Sông Đà đã tiến hành Đại hội đồng cổ đông lần đầu chính thức chuyển đổi từ mô hình Tổng công ty nhà nước sang mô hình Tổng công ty cổ phần.
Tổng công ty Sông Đà là nhà thầu chính của hầu hết các dự án thủy điện tại Việt Nam, như Thủy điện Sơn La (2.400MW) – dự án thủy điện lớn nhất Đông Nam Á, thủy điện Hòa Bình (1.920MW) – dự án nhà máy thủy điện ngầm của Việt Nam, thủy điện Lai Châu (1.200MW), Thủy điện Huội Quảng (520MW)… và là nhà thầu EPC của một số dự án khác như Tuyên Quang (324MW), Sesan 3 (260 MW)…
Theo giới thiệu, Sông Đà chiếm tới 85% thị phần trong nước về xây dựng thủy điện, trở thành nhà thầu lớn nhất trong lĩnh vực này tại Việt Nam.
Tổng công ty Sông Đà cũng mở rộng hoạt động của mình sang Lào với các dự án thủy điện Xekaman 1 (322MW) bao gồm thủy điện Xekaman Sanxay, Xekaman 3 (250MW), Xekaman 4, Tanahu (Nepal) ...
Ngoài ra, Sông Đà cũng là một trong các nhà thầu lớn của Việt Nam trong thi công công trình ngầm, công trình giao thông, đã thực hiện hơn hàng trăm km đường hầm, đặc biệt là hầm Hải Vân với phương pháp thi công NATM...
Các dự án giao thông khác như đường cao tốc Láng Hòa Lạc, đường quốc lộ 1A, đường quốc lộ 10, đường quốc lộ 18, đường Hồ Chí Minh, Hầm đường bộ Hải Vân, Hầm đường bộ đèo Ngang, hầm đường bộ qua đèo Cả…, thi công đường sắt cao tốc trên cao tại thành phố Hà Nội và Hồ Chí Minh…
Bên cạnh đó Tổng công ty cũng thực hiện thành công nhiều dự án công nghiệp như nhà máy Xi măng Hạ Long, Xi Măng Bút Sơn (1,4 triệu tấn/ năm), Nhà máy giấy Bãi Bằng (55.000 tấn/năm), Nhà máy dệt Minh Phương (55 triệu m/năm) …
Trong 9 tháng đầu năm 2023, SJG ghi nhận doanh thu thuần đạt 4.153 tỷ đồng, tăng 1,6% và lãi sau thuế 533 tỷ, giảm 66% so với cùng kỳ.
Phiên giao dịch cuối tuần, SJG bất ngờ tăng trần, đóng cửa tại giá 15.500 đồng - ghi nhận mức tăng 31% trong vòng 3 phiên. Nghị quyết HĐQT của SJG vừa chốt ngày trả đăng ký cuối cùng để trả cổ tức bằng tiền với tỷ lệ 10% là ngày 8/12.
CTCP Tư vấn Xây dựng Điện 1 (PECC1 - mã CK: TV1) là công ty con của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), hiện nay EVN đang nắm giữ 54,34% vốn công ty.
Theo giới thiệu trên website, công ty đã thực hiện trên 160 dự án thủy điện với tổng công suất lắp máy trên 20.000MW. Trong đó gần 20 công trình nhà máy thủy điện có chiều cao đập cao trên 60m với gần 100km đường hầm thủy điện. Phạm vi công việc gồm: Khảo sát, Thí nghiệm, lập Dự án đầu tư, Thiết kế kỹ thuật, Thiết kế bản vẽ thi công, thiết kế chế tạo thiết bị cơ khí thủy công, Thẩm tra, lập Tổng dự toán, lập Hồ sơ mời thầu, giám sát tác giả, Tư vấn giám sát công trình...
Một số dự án thủy điện lớn mà công ty thực hiện gồm Thủy điện Sơn La công suất 2400 MW, đập bê tông đầm lăn cao 138m; Bản Vẽ công suất 320MW, đập bê tông đầm lăn cao 137m; Tuyên Quang công suất 342MW, đập đá đổ bản mặt bê tông cao 92m; Lai Châu công
suất 1200MW, đập bê tông đầm lăn cao 137m; Luangprabang trên dòng chính sông MeKông (Lào), công suất 1100MW; Hạ Sê San 2 (Campuchia), công suất 400MW; thủy điện Hòa Bình mở rộng, thủy điện Yali mở rộng, Thủy điện Nam Emoun (Lào); ...
Trong 9 tháng đầu năm, PECC1 ghi nhận doanh thu thuần đạt 308 tỷ, giảm 24% và lợi nhuận sau thuế đạt 54 tỷ, tăng 13% so với cùng kỳ.
TV1 ghi nhận chuỗi tăng giá ổn định từ ngày 26/9 đến nay với mức tăng 25%.
Quốc gia cạnh Việt Nam sở hữu nguồn thuỷ điện lớn nhất thế giới chưa được khai thác: Đủ nguồn cung cho hơn 400.000 hộ, chuẩn bị xây con đập lớn nhất thế giới