GĐXH - Theo lãnh đạo Chi cục Dân số tỉnh Thừa Thiên Huế, gia đình là yếu tố quan trọng nhất để xây dựng một xã hội bình đẳng giới trong tương lai, vì gia đình là nơi khởi đầu, tấm gương của việc thực hiện bình đẳng giới…
Nâng cao vai trò, vị thế trẻ em gái
Theo Chi cục Dân số tỉnh Thừa Thiên Huế, từ năm 2011, ngày 11/10 được chọn làm Ngày Quốc tế trẻ em gái. Mục đích để nâng cao nhận thức về bình đẳng giới, thúc đẩy cộng đồng thực hiện các chính sách hỗ trợ, nâng cao vai trò, vị thế của trẻ em gái nói riêng và phụ nữ nói chung.
Dự báo, nếu tỷ số giới tính khi sinh (GTKS) hiện tại không thay đổi, đến năm 2024 sẽ dư thừa 1,5 triệu nam giới trong độ tuổi 15-49 và con số này vào năm 2059 sẽ tăng lên thành 2,5 triệu.
ThS.BSCKII Phan Đăng Tâm, Chi cục trưởng Chi cục Dân số tỉnh Thừa Thiên Huế tại buổi tập huấn về công tác dân số.
Những hệ lụy của mất cân bằng giới tính khi sinh gây ra như nam giới khó lấy được vợ, phụ nữ kết hôn sớm, tỷ lệ ly hôn cao, bất bình đẳng giới ngày càng trầm trọng, tệ nạn mại dâm, buôn bán phụ nữ trẻ em gia tăng.
ThS.BSCKII Phan Đăng Tâm, Chi cục trưởng Chi cục Dân số tỉnh Thừa Thiên Huế cho hay, xã hội ngày càng phát triển, vai trò, vị trí của phụ nữ, trẻ em ngày càng được khẳng định. Tuy nhiên, định kiến giới và tư tưởng trọng nam hơn nữ vẫn tồn tại khá phổ biến ở trong gia đình và một bộ phận dân cư.
Muốn xóa dần sự phân biệt đối xử giữa con trai và con gái cần sự chung tay góp sức của nhà trường, gia đình, xã hội và cả hệ thống chính trị. Trong đó, đối với xã hội cần tăng cường tuyên truyền vận động người dân để thay đổi tư duy, nhận thức về bình đẳng giới.
Chi cục Dân số tỉnh Thừa Thiên Huế triển khai các hoạt động tuyên truyền về bình đẳng giới, sức khỏe sinh sản vị thành niên...
"Để tạo dư luận xã hội ủng hộ và xóa dần sự phân biệt, nền tảng đầu tiên phải giáo dục giới tính, giáo dục tình dục và bình đẳng giới ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường", ThS.BSCKII Phan Đăng Tâm nói.
Theo ThS.BSCKII Phan Đăng Tâm, gia đình là yếu tố quan trọng nhất để xây dựng một xã hội bình đẳng giới trong tương lai vì gia đình là nơi khởi đầu, tấm gương của việc thực hiện bình đẳng giới. Con trai và con gái đều được đối xử bình đẳng trong chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục góp phần tăng chất lượng cuộc sống của các thành viên, xây dựng gia đình bền vững.
Đẩy mạnh tuyên truyền về bình đẳng giới, mất cân bằng giới tính khi sinh
Tại Thừa Thiên Huế, tỷ số GTKS có xu hướng giảm trong những năm gần đây. Năm 2021 ở mức 111,5 bé trai/100 bé gái sinh ra sống, 8 tháng năm 2024 ở mức 108,6 bé trai/100 bé gái sinh ra sống. So với chỉ tiêu giao trong kế hoạch hành động giai đoạn 2020-2025 của tỉnh thực hiện chiến lược dân số Việt Nam,đến năm 2030 có khả năng đạt chỉ tiêu này.
Chi cục Dân số tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp với đơn vị trường học tổ chức các cuộc thi tìm hiểu kiến thức về sức khỏe sinh sản.
ThS.BSCKII Phan Đăng Tâm cho biết, nguyên nhân gốc rễ của mất cân bằng giới tính khi sinh là trọng nam hơn nữ dẫn đến bất bình đẳng giới, phá thai trẻ em gái và gây ra hậu quả mất cân bằng giới tính khi sinh.
Do đó, cần tăng cường sự quản lý về công tác dân số, xây dựng các chính sách liên quan như quy định nghiêm và chặt chẽ hơn nữa trong việc công bố giới tính thai nhi tại các bệnh viện và phòng khám tư.
Nâng cao nhận thức của người dân về giới, bình đẳng giới, hậu quả của việc mất cân bằng giới tính khi sinh nhằm hạn chế các hành vi không phù hợp với sinh đẻ theo quy luật tự nhiên.
"Không ngừng nâng cao vị thế của phụ nữ và trẻ em gái, hướng đến một xã hội bình đẳng hơn, không còn tình trạng "trọng nam, hơn nữ", xây dựng và ban hành các hệ thống an sinh xã hội, đề án phúc lợi kinh tế có chú trọng đến đối tượng là phụ nữ và trẻ em gái", ThS.BSCKII Phan Đăng Tâm nói.
Lãnh đạo Chi cục Dân số tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng, cần đảm bảo những chính sách an sinh xã hội phù hợp với tình hình mới, đặc biệt các chính sách an sinh xã hội cho người cao tuổi. Ngoài ra, hoàn thiện hệ thống chính sách về bảo trợ xã hội, chăm sóc sức khỏe, phát huy vai trò của người cao tuổi, thích ứng với già hóa dân số.
"Cần giải quyết nguyên nhân căn bản, gốc rễ của vấn đề là "định kiến giới, tâm lý ưa thích con trai hơn con gái" đã "ăn sâu" vào tiềm thức, làm sao để có thể an tâm khi về già mà giảm bớt sự phụ thuộc vào con cái", Chi cục trưởng Chi cục Dân số tỉnh Thừa Thiên Huế chia sẻ.
Truyền thông thay đổi nhận thức thúc đẩy bình đẳng giới
GĐXH - Nhân ngày Quốc tế trẻ em gái (11/10) năm nay, ngày 8/10, Sở Y tế Hà Nội, Chi cục Dân số - KHHGĐ phối hợp với UBND huyện Thạch Thất tổ chức hội nghị "Gặp mặt biểu dương các gia đình tiêu biểu thực hiện tốt chính sách dân số, có con gái chăm ngoan học giỏi".