Doanh nghiệp Việt hướng về thị trường nội địa

27/08/2022 13:21
Với quy mô gần 100 triệu dân, thị trường Việt Nam có tiềm năng lớn để đẩy mạnh tiêu thụ nông sản, thủy sản, nên gần đây, các doanh nghiệp đã chú trọng đầu tư hướng về nội địa.

 

Doanh nghiệp Việt hướng về thị trường nội địa

Thị trường Việt Nam với hơn 100 triệu dân có tiềm năng lớn để đẩy mạnh tiêu thụ nông sản, thủy sản.

Mới đây, Vina T&T Gourmet, siêu thị cao cấp thuộc Vina T&T Group, chuyên cung cấp các mặt hàng nông sản, đặc sản vùng miền và nông sản nhập khẩu, chính thức được khai trương tại Block Jasmine 1, Hado Centrosa Garden (quận 10, TP.HCM).

Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Vina T&T Group chia sẻ, sau nhiều năm đưa nông sản Việt tiêu chuẩn cao xuất khẩu sang nhiều thị trường khó tính, ông mong muốn, người dân Việt cũng được sử dụng những sản phẩm này. Từ đây, ông ấp ủ kế hoạch xây dựng hệ thống cung cấp nông sản vùng miền chất lượng cao cho thị trường trong nước.

“Hệ thống siêu thị Vina T&T Gourmet sẽ cung cấp trái cây tươi, sản phẩm cao cấp, rõ ràng về nguồn gốc và đảm bảo chất lượng đến tay người tiêu dùng. Các sản phẩm OCOP đặc trưng vùng miền, organic, sản phẩm/thực phẩm nhập khẩu từ các quốc gia tiên tiến… sẽ được bày bán trong không gian sang trọng”, ông Tùng nói.

Ông Tùng nhấn mạnh, mục tiêu của Tập đoàn không chỉ là cung cấp các loại nông sản chất lượng, có nguồn gốc, mà ở tầm cao hơn, doanh nghiệp và nông dân sẽ hợp tác để chia sẻ lợi nhuận, nâng tầm nông sản.

Thị trường Việt Nam với hơn 100 triệu dân có tiềm năng lớn để đẩy mạnh tiêu thụ, nhưng trước đây chưa được chú trọng. Gạo, rau quả, cà phê, thủy sản từ Việt Nam đã xuất hiện ở rất nhiều quốc gia trên thế giới, nhưng ngay tại Việt Nam, người dân lại không có địa chỉ để mua các loại nông sản chất lượng, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Thậm chí, trong nhiều thời điểm, nông sản được mùa nhưng mất giá, phải trông chờ “giải cứu”. Chuỗi bán lẻ Vina T&T Gourmet ra đời sẽ phần nào đáp ứng nhu cầu này của người tiêu dùng trong nước.

Tương tự, sau nhiều năm nỗ lực và đã chinh phục được thị trường EU, Mỹ, Nhật Bản, từ 3 năm nay, thương hiệu cà phê Việt Meet More Coffee cũng quay trở lại phục vụ thị trường nội địa.

Ông Nguyễn Ngọc Luận, CEO Meet More Coffee cho hay, với mong muốn người Việt Nam được sử dụng rộng rãi các sản phẩm chất lượng và dinh dưỡng, Meet More Coffee đã khởi động nhiều dự án đưa hàng hóa phủ tại các kênh phân phối. Meet More Coffee cũng đồng hành hợp tác với Vina T&T để tiêu thụ sản phẩm tại chuỗi siêu thị Vina T&T Gourmet.

Để nông sản khẳng định vị thế tại thị trường trong nước, các nhà sản xuất, doanh nghiệp cần đổi mới, đa dạng phương thức kinh doanh, thúc đẩy hình thành và phát triển chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị nông sản.

Theo ông Luận, các doanh nghiệp lớn, có chỗ đứng trên thị trường cần phải đi đầu, kết nối để hình thành các trung tâm bán lẻ, phân phối hiện đại, giúp các nhà sản xuất có nơi tiêu thụ hàng hóa.

Thời gian qua, thị trường đã xuất hiện không ít mô hình bán lẻ của doanh nghiệp trong nước, nhưng quy mô còn hạn chế, thiếu kinh nghiệm, mở ra theo phong trào, nên khó tồn tại. Trong khi đó, các nhà bán lẻ nước ngoài đang kinh doanh tại Việt Nam cũng rất chào đón doanh nghiệp Việt.

Có một thực tế là, lâu nay, nhiều hộ nông dân đã đầu tư lớn để sản xuất theo tiêu chuẩn, nhưng rất khó bán tại thị trường nội địa. Không ít doanh nghiệp chia sẻ, họ “ngại” bán hàng ở trong nước, do thủ tục đưa hàng vào hệ thống bán lẻ rất phức tạp, khâu thanh toán thường chậm trễ… Nhưng khi có các doanh nghiệp mở chuỗi bán lẻ, tăng kết nối sản xuất tiêu chuẩn tại các vùng nguyên liệu, thì vấn đề này sẽ phần nào được giải quyết.

“Chúng tôi không tạo thêm rào cản đưa hàng vào siêu thị cho các nhà cung ứng, mà trái lại, thủ tục còn được đơn giản hóa để thị trường có thêm nhiều sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng”, ông Tùng khẳng định.

Theo Nguồn baodautu.vn

Doanh nghiệp Việt hướng về thị trường nội địa - Thị Trường

ds

Kmarket Mall - Apps on Google Play