Đề xuất điều chỉnh mức lương cơ bản, tăng phụ cấp cho nhân viên y tế

11/10/2022 10:30
Đề xuất điều chỉnh mức lương cơ bản, tăng phụ cấp cho nhân viên y tế

 

Bộ Y tế đề xuất ban hành chính sách điều chỉnh mức lương cơ bản, tăng phụ cấp ưu đãi nghề cho nhân viên y tế tại tuyến cơ sở, y tế dự phòng…

Đề xuất điều chỉnh mức lương cơ bản, tăng phụ cấp cho nhân viên y tế

Ảnh minh họa.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương nêu đề xuất này tại Tọa đàm “Nghị quyết 128/NQ-CP - Chuyển hướng chiến lược, ý nghĩa quyết định” mới đây.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương, để tạo điều kiện cho nhân viên y tế, cần ban hành chính sách điều chỉnh mức lương cơ bản, tăng phụ cấp ưu đãi nghề cho nhân viên y tế tại tuyến cơ sở, y tế dự phòng. Đặc biệt tăng cường năng lực, khả năng cung cấp dịch vụ y tế, mở rộng phạm vi chi trả tại các trạm y tế xã để tham gia chống dịch tốt nhất.

“Chúng ta cũng cần có chính sách đặc thù, đãi ngộ đối với lực lượng y tế, lực lượng tuyến đầu có nhiều đóng góp, công nhận liệt sĩ đối với lực lượng này nếu hy sinh khi làm nhiệm vụ. Tạo cơ chế chính sách thông thoáng, bình đẳng cho y tế tư nhân tham gia phòng, chống dịch Covid-19 vì chúng ta qua các đợt dịch, đặc biệt là đợt dịch thứ 4 có vai trò rất quan trọng của y tế tư nhân”, Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương nhấn mạnh.

Theo quy định về chế độ tiền lương và phụ cấp hiện nay (với mức lương cơ sở là 1.490.000 đồng) thì bác sỹ sau khi học 6 năm và sau 18 tháng thực hành để được cấp chứng chỉ hành nghề, nếu tuyển dụng vào đơn vị sự nghiệp công lập thì hưởng lương là 2,34 x 1.490.000 đồng = 3.486.000 đồng. Với phụ cấp ưu đãi nghề là 40% thì mức thu nhập chỉ 4.881.240 đồng (chưa trừ nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế).

Theo Bộ Y tế, lương, phụ cấp chưa tương xứng khiến hiện nay nhân lực y tế đang có xu hướng nghỉ việc và đang có một làn sóng mạnh mẽ chuyển dịch nhân lực y tế từ các cơ sở y tế công lập sang các cơ sở y tế tư nhân.

Trước thực tế này, Bộ Y tế đã xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 56/2011/NĐ-CP của Chính phủ quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức công tác tại các cơ sở y tế công lập. Trong đó đề nghị áp dụng mức phụ cấp ưu đãi nghề 100% đối với viên chức làm chuyên môn y tế dự phòng, y tế cơ sở, hiện nay đang trình các cơ quan có thẩm quyền để ban hành.

Đây được xem là một trong những giải pháp để “giữ chân” nhân lực y tế nghỉ việc, bỏ việc trước yêu cầu đảm bảo nguồn nhân lực cho công tác phòng, chống dịch, nhất là khi dịch bệnh dự báo còn diễn biến khó lường trên thế giới trong thời gian tới.

Đề xuất điều chỉnh mức lương cơ bản, tăng phụ cấp cho nhân viên y tế

Nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân. Ảnh: Đình Anh

Tổ chức Y tế Thế giới đánh giá, thế giới vẫn đang trong giai đoạn đại dịch và cảnh báo về những biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có thể làm cho dịch Covid-19 trở nên phức tạp và gia tăng trở lại.

Trong bối cảnh đó, Bộ Y tế cho rằng, vaccine vẫn là biện pháp hữu hiệu trong phòng, chống dịch, vì vậy cần tiếp tục đẩy mạnh tiêm chủng, chủ động xây dựng và triển khai các kịch bản, phương án đáp ứng với mọi tình huống dịch bệnh; tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác.

Trong nước, mặc dù tình hình dịch bệnh vẫn cơ bản được kiểm soát, nhưng số ca mắc mới, số ca phải nhập viện, ca nặng đang có xu hướng gia tăng. Tỷ lệ tiêm vaccine mũi 3 cho trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi và tiêm mũi 2 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi còn thấp; hiệu quả bảo vệ của vaccine giảm theo thời gian; nguy cơ dịch chồng dịch là hiện hữu. Bên cạnh đó, hiện nay đất nước mở cửa, dịch bệnh mới nổi như đậu mùa khỉ, viêm gan đang xâm nhập là không thể tránh khỏi.

Trước tình hình trên, Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương cho rằng, cần tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình phòng, chống dịch Covid-19 cũng như các dịch bệnh khác đang lưu hành tại Việt Nam như sốt xuất huyết, tay chân miệng, Adeno virus.

Cùng với đó, đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng vaccine phòng Covid-19; nghiên cứu, triển khai tiêm ngay cho trẻ em từ 6 tháng đến dưới 5 tuổi khi có đủ cơ sở khoa học. Sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách để thực hiện hiệu quả các hoạt động phòng, chống dịch; mua sắm, đấu thầu.

Mặt khác, cần nâng cao năng lực hệ thống y tế, nhất là y tế dự phòng, y tế cơ sở. Thúc đẩy nghiên cứu, phát triển công nghiệp dược, sản xuất vaccine, sinh phẩm, trang thiết bị y tế, thuốc điều trị trong nước để chủ động phòng, chống dịch.

TS Angela Pratt, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam cũng nhấn mạnh, đại dịch Covid-19 chưa kết thúc, chúng ta vẫn phải áp dụng các biện pháp để bảo vệ chính mình và những người xung quanh.

“Chúng tôi khuyến khích mọi người đeo khẩu trang ở những nơi đông người và không gian kín, rửa tay thường xuyên và quan trọng là tiêm vaccine phòng bệnh. Mỗi người cần tiêm chủng đầy đủ theo lịch của cơ quan y tế. Ngoài ra, cũng cần đẩy mạnh tiêm chủng ở trẻ em”, TS Angela Pratt nhấn mạnh.

Bà cũng cho rằng, Chính phủ cần tiếp tục theo dõi diễn biến của Covid-19 và chủ động, sẵn sàng năng lực của hệ thống y tế, chuẩn bị các điều kiện y tế trong trường hợp dịch có thể bùng phát ở mức độ cao. Ngoài ra, cũng cần chú trọng các biện pháp linh hoạt, thích ứng về y tế công cộng để bảo vệ sức khoẻ cho các đối tượng dễ bị tổn thương.

 

Theo Nguồn vneconomy.vn

Đề xuất điều chỉnh mức lương cơ bản, tăng phụ cấp cho nhân viên y tế - Bảo Vệ NTD

ds

Kmarket Mall - Apps on Google Play